|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Sở ngành

An Giang: Phấn đấu năm 2022 thu nhập bình quân xã nông thôn mới đạt 55 triệu đồng/người/năm
Năm 2022, An Giang phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; có thêm 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và thu nhập bình quân các xã nông thôn mới đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Năm 2022, An Giang phấn đấu thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới An Giang đạt 55 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 1- 1,5%/năm.  Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93% và tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%.

Năm 2022, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xây dựng xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; trong đó ưu tiên tập trung 6 xã điểm cuối năm 2021 và 9 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn năm 2022, các xã nông thôn mới nâng cao.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển cho giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu, ấp nông thôn mới; huyện nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu rộng và thiết thực bằng nhiều hình thức và nội dung.

Trong triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang chú trọng công tác bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp an toàn, nâng cao tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo an ninh trật tự khu vực nông thôn. Duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng miền nhằm duy trì và phát huy tốt các tiêu chí về văn hóa của địa phương.

Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, An Giang phấn đấu thêm 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Nghị quyết của HĐND tỉnh không đặt ra chỉ tiêu về xã nông thôn mới năm 2021, nên tỉnh phấn đấu thêm 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Kết quả thực hiện các Bộ tiêu chí về nông thôn mới nâng cao trong năm 2021, An Giang có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh 6 xã. Tuy nhiên, năm 2021, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn trung ương, tỉnh chưa được phân bổ. UBND tỉnh An Giang đã có cuộc họp về xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các xã có kế hoạch hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự kiến có 5-6 xã có thể đủ điều kiện công nhận xã nông thôn mới.

Hiện toàn tỉnh An Giang có 60 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó có 42 xã đạt 19 tiêu chí; 11 xã đạt 18 tiêu chí; 5 xã đạt 17 tiêu chí; 1 xã đạt 16 tiêu chí và 1xã đạt 15 tiêu chí. Hiện các xã tiếp tục duy trì mức độ đạt chuẩn sau khi được công nhận. 

Thực hiện quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 2/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021, trong đó tỉnh An Giang được phân bổ 27.276 triệu đồng. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2623/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 để phân bổ cho các Sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: Kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các Sở, ban ngành tỉnh. Qua thời gian tuyên truyền, vận động, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới dần đi vào đời sống của người dân nông thôn và được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp trong xã hội

Năm 2022, An Giang phấn đấu thu nhập bình quân các xã nông thôn mới đạt 55 triệu đồng/người/năm

"Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp, từ đó kịp thời hướng dẫn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Một số địa phương có quyết tâm chính trị rất cao, chủ động trong việc xây dựng Đề án, kế hoạch, lộ trình và Nghị quyết để thực hiện Chương trình, nhất là các địa phương được chọn làm điểm để tiếp tục thực  hiện để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”, ông Lâm thông tin.

Tuy đạt được một số kết quả ban đầu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng ngay từ đầu năm 2021 tình hình thiên tai, sạt lở, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, trong đó, dịch COVID - 19 xảy ra, đã ảnh hưởng khá lớn trong công tác phòng, chống bệnh, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt đời sống hàng ngày của người dân. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác triển khai, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang sẽ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kiến nghị Tỉnh ủy kiện toàn công tác chỉ đạo, phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách địa bàn đối với các xã điểm nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương cơ chế thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó giao chỉ tiêu cả nước phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung các xã dự phòng của Quyết định số 1014/QĐ-UBND, theo đó phấn đấu đến năm 2025 có thêm 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới (thay vì 28 xã như hiện tại), nâng tổng số xã đạt chuẩn đến năm 2025 là 93/116 xã, chiếm 80,17%...

Thanh Sang