|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh

An Giang: Phấn đấu đến cuối năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn
Cổng TTĐT tỉnh AG)- Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang vừa xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 30/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang.

 Mục tiêu của kế hoạch nhằm giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 01% - 1,2%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 03%- 04%/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa, đồng thời phát hiện các hành vi trục lợi chính sách giảm nghèo để có biện pháp đẩy lùi, ngăn chặn. 

UBND tỉnh An Giang tập trung tuyên truyền cổ vũ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; giới thiệu, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững, biểu dương các hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đối tượng nghèo tiếp cận quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình giảm nghèo.

UBND tỉnh An Giang cũng tập trung xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững với các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương nhằm cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận đầy đủ, kịp thời các dịch vụ xã hội cơ bản. Tránh tình trạng chồng chéo, dàn trải nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn.

Song song đó, tỉnh cũng tập trung triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. 

Thời gian tới, tỉnh An Giang cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, việc làm và vệ sinh, thông tin, ... 

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở, dạy nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và các dịch vụ xã hội cơ bản khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương; tiếp tục bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo khả năng cân đối ngân sách để thực hiện Chương trình giảm nghèo trong đó ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo”; tháng cao điểm “Vì người nghèo”; huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo gắn với việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,… để huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững đặc biệt cho các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, tỉnh An Giang tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo và phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới công tác tổ chức, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; tập trung xây dựng các mô hình, dự án có hiệu quả phát huy khả năng, ý chí vươn lên của người nghèo…/.

Quang Minh