|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh

AN GIANG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) NĂM 2025

AN GIANG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) NĂM 2025

Ngày 21 tháng 3 năm 2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Công Thức ký ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2025.

(Hình ảnh minh hoạ về Sản phẩm OCOP An Giang)

Theo đó, năm 2025 tỉnh An Giang tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm của các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Đặc biệt, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm phát huy và nâng cao các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản phẩm OCOP hướng đến ổn định và phát triển bền vững với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tài nguyên bản địa, trên cơ sở chất lượng, uy tín, cạnh tranh và vươn xa cho Chương trình OCOP tỉnh An Giang đến cuối năm 2025. Về kết quả thực hiện, đến nay toàn tỉnh An Giang đã có 183 sản phẩm (bao gồm: 05 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 164 sản phẩm 3 sao); của 126 chủ thể kinh tế (trong đó: 12 Hợp tác xã, 2 Tổ hợp tác, 26 Doanh nghiệp, 86 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).

Đặc biệt trong kế hoạch triển khai Chương trình năm 2025, được sự thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh An Giang sẽ là địa phương thứ tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến vào tháng 8/2025 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Diễn đàn là cơ hội để quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh đến các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp lớn trong cả nước, đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, văn hoá, du lịch An Giang đến du lịch thông qua các hoạt động bên lề của Diễn đàn.

(Hình ảnh đại diện tỉnh An Giang nhận Cờ luân lưu đăng cai tổ chức Diễn đàn OCOP năm 2025)

Để triển khai hiệu quả với các mục tiêu nêu trên, tỉnh cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong triển khai thực hiện như: Phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có thêm từ 50 - 60 sản phẩm đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” đạt từ 3 sao trở lên (trong đó, phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, ngành sinh vật cảnh, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch); phấn đấu có ít nhất 05 sản phẩm đề xuất đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” từ 4 sao trở lên. Thực hiện rà soát, tuyên truyền, vận động các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP hết thời gian công nhận (trong năm 2025) tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Phấn đấu hỗ trợ 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…). Bên cạnh các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống, tiếp tục tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với các kênh bán hàng, các sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Duy trì, nâng chất hoạt động của các Điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh; phấn đấu phát triển mỗi huyện, thị xã, thành phố có điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch địa phương. Thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện nâng cao năng lực thực hiện cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP; đặc biệt là năng lực quản lý, hoạt động của các chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP nhầm số hóa phương thức quản lý, hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và hoạt động sản xuất sản phẩm hướng đến xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

(An Giang tiếp tục phát triển thương mại điện tử cho Sản phẩm OCOP)

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần có những giải pháp phù hợp, lồng ghép những chính sách hỗ trợ từ các nguồn vốn, chương trình, dự án trong triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2025; phải bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp trọng tâm Chương trình OCOP của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh. Xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của chính quyền địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, quản lý, giám sát và điều hành công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP và đặc biệt là phải nâng cao toàn diện cho sản phẩm OCOP tỉnh An Giang. Các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn và có kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ các chủ thể kinh tế thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung theo Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường (Cơ quan thường trực triển khai Chương trình OCOP) hướng dẫn tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang theo từng nhóm ngành được giao phụ trách, quản lý, từ đó đa dạng hóa sản phẩm OCOP của tỉnh./.

 

Nguyễn Nghĩa - VPĐPNTM tỉnh