|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh

AN GIANG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NÔNG THÔN MỚI NĂM 2024

Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các xã nông thôn mới có kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Các công trình thiết yếu phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn cơ bản được hoàn thành. Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Môi trường sinh thái được bảo vệ. An ninh - chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

Ngày 25/3/2024, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 (tại Quyết định số 444/QĐ-UBND) nhằm triển khai thực hiện Chương trình được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang, với các nội dung sau:

Về mục tiêu thực hiện

Phấn đấu có thêm 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm: xã Tân Thạnh, xã Lê Chánh (Tân Châu); Vĩnh Lợi, Tân Phú (Châu Thành); Bình Phú (Châu Phú); Phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao gồm: Xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), xã Tân An (Tân Châu), xã Mỹ Đức (Châu Phú) xã An Hòa (Châu Thành) và xã Lương Phi (Tri Tôn); Phấn đấu có 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn thôn mới kiểu mẫu; Bình quân tiêu chí/xã: 17,7 tiêu chí.

Đơn vị cấp huyện: Toàn tỉnh vẫn duy trì, nâng chất 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bao gồm: thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Trong đó, huyện Thoại Sơn duy trì các tiêu chí, chỉ tiêu xét đạt huyện nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu có 20 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp trong triển khai thực hiện như

Tiếp tục Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực hiện các mô hình cảnh quan không gian sáng xanh sạch đẹp, mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến.

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành tỉnh và các địa phương trong công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG trong trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình .

Triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023. Tăng cường các hoạt động vận động xã hội hóa các nguồn lực từ Mạnh Thường Quân, nông dân, Doanh nghiệp để hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện Chương trình. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

 

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan chủ trì quản lý Chương trình) chủ trì, phối hợp với các sở ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình theo quy định; hướng dẫn các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình; hướng dẫn các đơn vị được giao kinh phí thực hiện theo đúng quy định; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch giám sát đánh giá Chương trình theo quy định. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình ở cấp huyện; phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện 11 nội dung thành phần và 06 chương trình chuyên đề để hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung được phân công, hướng dẫn các địa phương thực hiện./.

 

Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang