Chiều ngày 23/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp với các Bộ, ban, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng xây dựng nông thôn mới 09 tháng đầu năm 2024 và thảo luận, định hướng giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2024 được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025
Tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có Thành viên Tổ công tác chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự trực tuyến tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh; Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…
Tại điểm cầu tỉnh An Giang, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì, cùng tham dự có Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh An Giang phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới; Đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã điểm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2025
Về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến tháng 10/2024
Theo báo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 156 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 11 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó, đã có 11 huyện (05%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó có 32,8% là HTX, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Về kết quả chung thực hiện Chương trình của tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bao gồm: thành phố Châu Đốc (năm 2017), thành phố Long Xuyên (năm 2018) và huyện Thoại Sơn (năm 2018); Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 (sớm hơn lộ trình 01 năm). Về cấp xã, có 76/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 69,09%), có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 02 xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, bao gồm: xã Định Thành - huyện Thoại Sơn (kiểu mẫu về lĩnh vực Tổ chức sản xuất) và xã Vĩnh Trạch - huyện Thoại Sơn (kiểu mẫu về lĩnh vực Giáo dục). Có 14 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”. Về kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh An Giang đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 145 đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên của 103 chủ thể kinh tế; trong đó có 122 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên còn thời gian công nhận (gồm có 02 sản phẩm 5 sao, 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 07 sản phẩm 4 sao và 110 sản phẩm 3 sao) của 89 chủ thể kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy thông gin về một số kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh An Giang; đồng thời, kiến nghị một số nội dung về: Tiêu chí nghèo đa chiều đối với xã nông thôn mới, Tiêu chí Nghèo đa chiều đối với xã nông thôn mới nâng cao theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn bao gồm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều và cận nghèo đa chiều là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế từ vũng miền và điều kiện phát triển của đất nước khi áp dụng tiêu chí đánh giá; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp. Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trong và lâu dài, không có điểm dừng, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trên cả nước,..
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 được cấp có thẩm quyền giao, làm nền tảng để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu; Khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án/đề án/kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện ngay trong năm 2024. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của địa phương, các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các mô hình thuộc chương trình chuyên đề. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán, giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2024 kế hoạch đã được giao. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức truyền thông về nông thôn mới và các chương trình; Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu./.
Phạm Thái Bình - Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh.