|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh

An Giang phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại
- Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, An Giang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, tiến đến mục tiêu nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi An Giang có tốc độ tăng trưởng dương, thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Được Tập đoàn Tân Long chọn làm địa điểm đầu tư, đưa vào hoạt động Nhà máy gạo Hạnh Phúc, quy mô lớn nhất Châu Á và sẽ liên kết bao tiêu 30.000ha với các hợp tác xã tại An Giang.

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp 3 triệu tấn gạo cho nước Cộng hòa Sierra Leone. Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cùng nông dân tổ chức sản xuất bao tiêu 2 triệu tấn lúa xuất khẩu... Lĩnh vực thủy sản cũng có chuyển biến tích cực tiếp nối những tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu.

Từ đó, tỉnh sẽ phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn lực tự nhiên. Huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số, các sản phẩm nông sản tham gia rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại. Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, phát triển môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn, tạo việc làm, như: Kinh tế nhà vườn, kinh tế kết hợp, kinh tế phụ… Đặc biệt, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, đến năm 2030, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,8-3%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi chiếm 72-74%, thủy sản chiếm 25-27%, lâm nghiệp còn 1%. Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha đất sản xuất đạt 230 triệu đồng/ha. Giảm diện tích gieo trồng lúa 2,5-2,8%/năm, sản lượng lúa bình quân 3-3,5 triệu tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu: Gạo đạt 315 triệu USD/năm, sản lượng xuất khẩu khoảng 500.000 - 600.000 tấn/năm; thủy sản 330 triệu USD/năm, xuất khẩu khoảng 110.000 - 120.000 tấn/năm; rau quả đông lạnh 20 triệu USD, sản lượng xuất khẩu 10.000 - 12.000 tấn/năm.

Ổn định vùng bảo tồn, cấm khai thác cây dược liệu 500ha; phát triển vùng trồng và khai thác dược liệu 1.071ha. Phấn đấu ít nhất 89-95/116 xã đạt chuẩn NTM, 30-35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; ít nhất 6/11 huyện NTM, 1 huyện NTM nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân dưới 1%; dân số nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 98%; dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ thu gom rơm đạt 40% diện tích sản xuất lúa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ cây lúa, giảm tỷ lệ đốt đồng, ô nhiễm môi trường.

Tỉnh An Giang ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ đến 2030: Có 700ha trồng lúa hữu cơ; 50ha trồng rau, màu hữu cơ; 40ha trồng cây dược liệu hữu cơ; 100% sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Đến năm 2050, An Giang là một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng sản xuất nông thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng BĐKH, giảm ô nhiễm môi trường. Là đích đến cho các nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực ĐBSCL với thị trường Campuchia và các nước Thái Lan - Lào - Myanmar (khu vực phía Nam). Là địa phương gìn giữ và phát huy các đặc sắc về du lịch tâm linh, sinh thái, kết hợp với thương mại nông thủy sản và các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng khác.

Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Định hướng theo nhóm sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi, thủy sản. Ưu tiên xây dựng các quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất. Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển nâng tầm lên sản phẩm chủ lực của quốc gia. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp thông minh. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Tổ chức thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho vùng chuyên canh, đáp ứng yêu cầu thị trường...

Cùng với đó, phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn để tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp nhằm đảm bảo thu nhập, đảm bảo “ly nông bất ly hương”. Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở nông thôn, đa dạng hóa các loại hình. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Phát huy vai trò của người dân nông thôn để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình phát triển sản xuất, xây dựng NTM.

HẠNH CHÂU