Cụ thể, cả nước có 5.615 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 68,2% (tăng 5,8% so với năm 2020). Trong đó, có 503 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với năm 2020).
Có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM (tăng 40 đơn vị so với năm 2020). 14 tỉnh có 100% số đơn vị đạt chuẩn NTM, trong đó, Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 3 tỉnh, thành phố có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đối với việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận hơn 5.400 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (vượt hơn 1.400 sản phẩm so với kế hoạch).
Trong đó, sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 62,6%), 4 sao (35,8%), tiềm năng 5 sao (1,6%). Hơn 2.900 chủ thể tham gia, trong đó hợp tác xã (chiếm 38,8%), doanh nghiệp (27,4%), cơ sở sản xuất (31,5%), còn lại là tổ hợp tác. Đến nay, có 20 sản phẩm OCOP 5 sao đã được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2020.
Về huy động nguồn lực thực hiện chương trình, đến hết tháng 11/2021 cả nước huy động được 449.157 tỷ đồng từ các nguồn lực (bằng 97,6% so với năm 2020).
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2021, năm 2022 phấn đấu cả nước có khảng 73% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 6% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 235 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng trên 20 đơn vị cấp huyện so với năm 2021); 7-8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 6.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng 1.100 sản phẩm so với năm 2020).
Cả nước có 5.615 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,2% (tăng 5,8% so với năm 2020).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam biểu dương những kết quả mà Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã đạt được trong năm 2021.
Theo Thứ trưởng, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh Covid-19, khối lượng văn bản, dự thảo hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt rất nhiều... Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nhiệt huyết, công tác phối hợp triển khai công việc giữa các thành viên trong Văn phòng và giữa Văn phòng với các đơn vị liên quan rất hiệu quả, chuyên nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, mảng nông thôn có những đặc thù rất riêng biệt khi liên quan tới nhiều lĩnh vực như chính trị, xã hội, khoa học công nghệ, môi trường, du lịch, kinh tế, OCOP, an ninh trật tự… Do đó, khối lượng công việc trong năm 2022 sẽ rất lớn, đòi hỏi mỗi thành viên của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, phải phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, công tâm, nhiệt huyết với công việc, thì mới có thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng lưu ý, công tác thẩm định nông thôn mới phải được theo dõi chặt chẽ, đánh giá công tâm, chính xác hơn nữa. Văn phòng cũng cần xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể với các đơn vị liên quan, chủ động chuẩn bị mọi vấn đề để khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả tối ưu.