Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành trung ương đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn triển khai.
Gỡ vướng về cơ chế, chính sách
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025; sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 07/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đến nay, 17/17 bộ, ngành trung ương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 211/QĐ-TTg.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; quy định huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2024 - 2025.
Lũy kế đến tháng 9/2024, các bộ, ngành trung ương có liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị định của Chính phủ, 4 nghị quyết của Chính phủ, 29 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 được giao.
Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế.
Nhiều mô hình, sáng kiến hay
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được xác định là nội dung trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương; được các bộ, ngành trung ương và địa phương chú trọng, tập trung triển khai thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các địa phương biên soạn, giới thiệu 149 mô hình, sáng kiến hay trong xây dựng nông thôn mới của các tỉnh, thành phố để các địa phương học tập kinh nghiệm. Bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nhiều địa phương đã phát huy tốt hiệu quả trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện Chương trình và điều hành công việc; góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng nội dung thực hiện Chương trình. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quan tâm, tích cực hưởng ứng của người dân thực hiện Chương trình.
Các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đảm bảo cảnh quan, môi trường trong khu dân cư, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường giao thông, trường học, khu dân cư... tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp đạt kết quả cao...
Đáng chú ý, tỉnh Bến Tre tổ chức Talkshow truyền thông chuyển đổi số về xây dựng nông thôn mới và Mini game trực tuyến “Nhà thông thái xứ Dừa” tìm hiểu kiến thức về tổ hợp tác, họp tác xã, xây dựng sản phẩm OCOP, tuyên truyền về chuyển đổi sổ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh Bình Định tổ chức Cuộc thi xây dựng mô hình tuyến đường nông dân tự quản “4 có, 2 không” trên địa bàn 17 xã, phường năm 2023. Tỉnh Lâm Đồng tổ chức “Ngày thứ 7 dân vận cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới”; tỉnh Nghệ An tổ chức thành công cuộc thi “Mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh”...
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới các cấp và người dân về xây dựng nông thôn mới cũng được chú trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức 8 lớp tập huấn trực tuyến về hướng dẫn, cập nhật các quy định về tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với hơn 12.000 lượt học viên là cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã trên toàn quốc tham dự.
Đến nay, có 35 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, làm căn cứ để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương đã ban hành Bộ tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cơ sở và người dân trên địa bàn nông thôn.
Sửa Quyết định số 321
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đến hết tháng 9/2024, cả nước có 77,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới (34,6% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7,6% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); 296 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). So với mục tiêu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, khả năng hết năm 2025, Chương trình sẽ đạt được các mục tiêu về cấp xã, huyện, nhưng không đạt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, có thêm 12 - 14 địa phương cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến tháng 8/2024, chỉ có Quảng Ninh hoàn thành các nội dung yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 321. Còn 13/14 tỉnh, thành phố đang gặp các vướng mắc khi một số nội dung của Quyết định số 321 không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như thành phố trực thuộc tỉnh mà không có xã; thành phố trực thuộc Trung ương không có thị xã, thành phố trực thuộc; UBND là cấp thông qua đề án xây dựng nông thôn mới thay vì HĐND như quy định; một số quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương không thể bảo đảm đất cây xanh sử dụng công cộng tối thiểu 4m2/người.
Quyết định số 321 quy định: “Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên” cũng là một chỉ tiêu gây khó khăn cho các địa phương.
Mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến sửa đổi Quyết định số 321, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thủ tục, hồ sơ trình Chính phủ điều chỉnh Chỉ số SIPAS trong Nghị quyết số 76/NQ-CP Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính từ mức 90% xuống còn 80%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện một số nội dung trong Quyết định số 321 phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của các địa phương./.
Theo Báo An Giang Online.