|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Trung Ương

CHUYỂN ĐỔI SỐ - GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ ĐỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN THÔNG MINH
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội thảo trực tuyến về xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới đã được tổ chức trực tiếp tại Thành phố Huế vào 14h00 ngày 11/12/2021. Tham dự hội thảo có hơn 550 đại biểu Bộ ngành Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, một số huyện, xã từ khoảng hơn 200 điểm cầu trên toàn quốc.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh, trong triển khai xây dựng nông thôn mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được từng bước áp dụng ở nhiều địa phương. Các mô hình làng nông thôn mơí thông minh đã được triển khai ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Tháp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thí điểm xây dựng thí điểm 10 xã thông minh trên toàn quốc. Tuy nhiên các mô hình này mới đang tiếp cận ở từng nội dung hoạt động, lĩnh vực.
Đối với Chương trình MTQT xây dựng NTM, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến trong tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng NTM và xây dựng nông thôn mới hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh. Nhiều hoạt động ứng dụng chuyển đối số đang được ứng dụng trong chương trình nông thôn mới từ việc tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến đến tập huấn về OCOP, du lịch nông thôn, toạ đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại được xây dựng dựa trên ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường….

Dịch COVID 19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội của cả nước và nhiều người dân. Đại dịch covid đã thay đổi cách thức chúng ta hoạt động trong cuộc sống. Chuyển đổi số là yêu cầu, là bắt buộc trong cuộc sống ngày nay. Điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội. Nông thôn không thể ở lại phía sau trong cuộc cách mạng tri thức, cách mạng 4.0.

Mặc dù còn có nhiều cách hiểu khác nhau về nội hạm và cách thức ứng dụng công nghệ vào xây dựng nông thôn mới, hay áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Quy trình triển khai xây dựng làng thông minh. Chuyển đổi số cần được triển khai nhân rộng trong nhiều lĩnh vực hoạt động ở nông thôn từ kiểm soát ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, kiểm tra giám sát hoạt động đầu tư ở nông thôn, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với xây dựng nông thôn mới. Chuyển đối số sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn. Bộ chỉ tiêu về làng nông thôn mới thông minh sẽ được xây dựng là cơ sở để triển khai trong giai đoạn sau năm 2025.

Theo tiến sỹ Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, các hợp phần của làng thông minh bao gồm Thiết chế thông minh, Nguồn lực thông minh, Hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh và sản xuất kinh doanh thông minh. Ông Phong đề xuất, để xây dựng làng thông minh cần triển khai thực hiện quy trình gồm 4 bước, đó là Phân tích thực trạng; thiết kế và xây dựng đề án, triển khai thực hiện các hạng mục trong đề án với các nguồn lực huy động được; và Giám sát đánh giá đề án. Và để triển khai được đề án cần phải có Hướng dẫn quy trình triển khai đề án, các địa phương lựa chọn địa điểm/cơ sở thí điểm xây dựng làng thôn minh trên cơ sở các định mức  hỗ trợ và nguồn lực hỗ trợ.

Ông Nguyễn Anh Phong – Giám đốc Trung tâm thông tin nông nghiệp nông thôn

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Theo Tiến sỹ Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, quá trình thí điểm xây dựng làng thông minh có nhiều khó khăn, vì là nội dung mới, đòi hỏi phải có sự thay đổi gắn với việc áp dụng công nghệ; các địa phương lúng túng về cách hiểu nội hàm và cách thức triển khai, điều kiện kinh tế xã hội của các địa phương rất khác biệt, . Tuy nhiên với sự hướng dẫn, đồng hành của các chuyên gia, các địa phương đã xác định được các nội dung cần thực hiện ở địa phương mình để chuyển đổi, thay đổi thế chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Dựa trên 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, các xã tìm ra các khó khăn, nút thắt; tìm các giải pháp công nghệ để giải quyết. Việc thành công một phần do sự tích cực thực hiện của cán bộ cơ sở. Chuyển đối số phải quan tâm đến những nơi khó khăn nhất, những người yêu thế nhất, để không bỏ lại ai ở phía sau; phải quan tâm đến văn hoá, phong tục tập quán.  Một trong những khó khăn là việc nhân rộng các kết quả thí điểm đòi hỏi nguồn lực lớn.

 

Ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng xã thông minh tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Một trong những kinh nghiệm để triển khai xây dựng xã thông minh phải đặt trong quy hoạch tổng thể, theo đó triển khai xã thông minh phải  nằm trong kế hoạch chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện. Muốn hiệu quả phải đầu tư hạ tầng dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung tại cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc công ty KYC chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ số trong triển khai một số nội dung của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Theo đó về việc xây dựng phầm mềm lấy ý kiến sự hài lòng của người dân và đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới các cấp sẽ góp phần tăng hiệu quả khi triển khai quy trình lấy ý kiến hài lòng của người dân, nhất là ở những nơi có diện tích lớn, dân số đông, qua đó giảm chi phí, công sức trong chuẩn bị hồ sơ, tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân

Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam  chia sẻ kinh nghiệm việc ứng dụng chuyển đổi số trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua thực tế ảo tại Triển lãm ảo tăng cường Vietnam Lifestyle. Đây là kinh nghiệm các địa phương, chủ thể có thể áp dụng trong việc  giới thiệu các văn hoá, danh lam, thắng cảnh, đặc sản vùng miền, quảng bá sản phẩm OCOP.

Đối với lĩnh vực an ninh trật tự, Theo ông Nguyễn Thanh Bình Phó cục trưởng Cục V05 Bộ Công an, việc ứng dụng công nghệ số trong việc giám sát, kiểm soát an ninh trật tự tại các xã  đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương. Các mô hình về camera an ninh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cần tiếp tục được xây dựng và nhân rộng vì mô hình này đã  góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, tinh giảm được bộ máy. Tuy nhiên cần có các giải pháp đảm bảo bảo mật thông tin.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường  Tổng cục Môi trường chia sẻ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng dụng chuyển đổi số rất cần thiết. Người dân phải được tiếp cận, phải được biết các thông tin về chất lượng môi trường, Người dân cùng chính quyền được kiểm soát, giám sát về chất lượng môi trường;…

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ Chuyển đối số là nội dung mới trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số cấp xã. Trong năm 2022 sẽ triển khai tại 4 xã Quế Phú, Cẩm Thanh, Tam Giang, Tiên Cảnh thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về áp dụng chuyển đổi số.

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở tình lĩnh vực. Việc lấy ý kiến hài lòng của người dân về xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được thực hiện thí điểm thực hiện. Kết quả nhanh, chính xác, theo thời gian thực. Trên cơ sở kinh nghiệm của Hà Tĩnh, có thể xây dựng hoạt động thông minh trên từng lĩnh vực như an ninh, môi trường, giáo dục, y tế, văn hoá…Để có thể triển khai nội dung chuyển đổi số trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cần có sự hướng dẫn vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương về nội dung, hội hàm, định mức, tiêu chí, tiêu chuẩn.

Kết luận hội thảo, Ông Nguyễn Minh Tiến tái khẳng định, chuyển đổi số là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số là nội dung mới trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi số không phải là nông thôn mới thông minh. Cần phải thống nhất về nhận thức về chuyển đổi số và nông thôn thông minh. Chuyển đổi số là giải pháp công nghệ trong xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững của tiêu chí. Nông thôn thông minh phải bao gồm chính quyền thông minh, người dân thông minh, hành vi, ứng xử thông minh./.

BTM