|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Trung Ương

Chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới thông minh
Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới sẽ đặc biệt ưu tiên chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh và phát triển du lịch nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những điểm nhấn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương (Bộ NN-PTNT) cho biết: "Chúng tôi sẽ nhấn mạnh vào những giá trị cốt lõi như nâng cao thu nhập của người dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa và bảo vệ môi trường".

Xác định mục tiêu cụ thể cả 4 cấp độ và 3 mức độ

Giai đoạn vừa qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã có bước đột phá về kết quả, có chất lượng và chiều sâu. Năm 2021 hết sức khó khăn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh giãn cách xã hội từ tháng 5 đến tháng 10/2021, việc triển khai các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới đứng trước thách thức lớn, nhất là khi nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2021 được bố trí chậm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những kết quả đạt được của Chương trình thực sự đáng được ghi nhận và trân trọng. Dự kiến, đến hết tháng 12/2021, cả nước có 5.615 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 68,2%, vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Đặc biệt hơn nữa là số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu cũng đã tăng đáng kể (đạt 9% tổng số xã nông thôn mới). Kết quả trên đã phản ánh đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước, đó là “nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm dừng”. Các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vẫn tiếp tục tiến lên nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện trong năm 2021 cũng cho thấy những đột phá quan trọng, khi có 40 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Đến nay, cả nước đã có 214 huyện được công nhận, chiếm tỷ lệ 32%.

Bên cạnh kết quả về mặt số lượng, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, tính bền vững, đặc biệt là các nhóm tiêu chí cốt lõi như thu nhập của người dân hay bảo vệ môi trường.

Với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, hướng tới thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là “nông nghiệp sinh thái,nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”.

Ba cụm từ khóa trên được chúng tôi lồng ghép trong chương trình nông thôn mới rất rõ. Nó thể hiện ở một số điểm: Thứ nhất, lần đầu tiên chúng ta có mục tiêu ở 4 cấp (phấn đấu có 15 tỉnh/thành, 50% số huyện; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và trong số các xã đạt chuẩn nông thôn mới có 65% thôn, bản ở vùng khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ hai, chúng ta cũng có mục tiêu ở 3 mức độ. Trước đây chúng ta chỉ có mục tiêu đối với xã đạt chuẩn nôn thôn mới. Ở giai đoạn tới, trong mục tiêu 80% số xã đạt chuẩn có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tối thiểu 10% là xã kiểu mẫu. Đối với cấp huyện cũng tương tự, trong 50% số huyện đạt chuẩn, chúng ta phấn đấu 20% là đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Như vậy, chúng ta thấy có sự bổ sung và tổng hợp các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo cả cấp độ và mức độ để thể hiện tính toàn diện và liên tục của xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nhấn mạnh 3 trục giá trị cốt lõi

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Quốc hội khóa XV đề ra tại Nghị quyết 25, Bộ NN-PTNT đã xác định rõ việc triển khai giai đoạn tới để Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, toàn diện và mang tính bền vững. Một trong những điểm nhấn là chúng ta chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị.

Giá trị cốt lõi của nông thôn mới được xây dựng theo 3 trục: nâng cao thu nhập của người dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa và bảo vệ môi trường. Ảnh. VM.

Trên quan điểm này, Bộ NN-PTNT cùng với các Bộ, ngành đã đề xuất 6 Chương trình chuyên đề, bao gồm: chương trình khoa học công nghệ; chương trình môi trường, an toàn thực phẩm và nước sạch nông thôn; chương trình OCOP; chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới gắn với xây dựng nông thôn mới thông minh (như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, chúng ta hướng tới có bộ tiêu chí về làng nông thôn mới thông minh và xã nông thôn mới thông minh); chương trình du lịch nông thôn và chương trình về đảm bảo an ninh trật tự và bình yên nông thôn.

Sự dịch chuyển của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới sẽ nhấn mạnh vào những giá trị cốt lõi của nông thôn mới theo 3 trục: nâng cao thu nhập của người dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa và bảo vệ môi trường.

Trong 6 chương trình chuyên đề nêu trên, chúng tôi đặc biệt ưu tiên chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh và chương trình du lịch nông thôn.

Tất cả chúng ta đều thấy rõ, hiện nay chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 749 phê duyệt chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã hoàn thiện chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh phát triển theo ba hướng.

Thứ nhất là chính quyền số, làm sao hướng tới các dịch vụ hành chính ở địa phương sẽ được ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin và nền tảng công nghệ số. Thứ hai là vấn đề kinh tế số, đây là một trong những nội dung cốt lõi để đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh và phát triển thương mại điện tử cho các chủ thể, nhất là các chủ thể OCOP.

Qua đó, chúng ta hướng tới mỗi chủ thể sẽ là một doanh nhân số. Họ có thể tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, hoặc trực tiếp bán hàng online. Đây là điểm nhấn quan trọng

Thứ ba, về xã hội số, chúng tôi thấy hiện nay người dân khu vực nông thôn có nhu cầu rất lớn đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các xã lựa chọn thế mạnh của mình để chuẩn hóa hệ thống dữ liệu và phát huy các dịch vụ số trên nền tảng đó. Về lâu dài, chúng ta sẽ hướng tới nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Những kỳ vọng ở Chương trình chuyên đề du lịch nông thôn

Còn đối với chương trình du lịch nông thôn, mặc dù trong những năm qua, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn từng bước được hiện đại, giao thông thuận lợi hơn. Các địa phương chú trọng hoạt động trồng cây xanh, trồng hoa, phát huy những giá trị bản địa để phát triển du lịch nông thôn, nhưng hầu hết còn mang tính tự phát.

Cánh đồng sen Nhật tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình phục vụ du khách đến tham quan. Ảnh: Thùy Dung.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, do vậy rất khó để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững. Chúng ta đã biết, nông thôn chính là hồn cốt của quốc gia. Việc bảo tồn, phát huy giá trị đó không chỉ cho thế hệ chúng ta mà cho thế hệ sau này.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch hoàn thiện dự thảo Chương trình du lịch nông thôn, trình Thủ tướng Chính phủ trong vào tháng 1/2022. Chúng tôi hy vọng thông qua chương trình sẽ tạo ra được hệ thống khung chính sách để hỗ trợ du lịch nông thôn.

Qua đó hỗ trợ cơ sở hạ tầng trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực trong chương trình nông thôn mới; có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các điểm đến về du lịch, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống; các đội văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa của người dân bản địa hoặc khôi phục lại các làng nghề truyền thống để tạo ra các dịch vụ nông thôn.