|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Địa phương

Phước Hưng đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”

- Hôm nay (ngày 6/4), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) long trọng tổ chức Lễ đón nhận quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xã Phước Hưng đã xây dựng diện mạo NTM ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.

Nhiều kết quả nổi bật

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng Lê Thị Minh Thủy cho biết, ngay khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (năm 2011), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương. Xã tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân hiểu rõ giá trị cốt lõi của xây dựng NTM để tạo đồng thuận và tham gia tích cực. Phát huy dân chủ theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, huy động sức dân để chăm lo cho dân.

Xã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Từ sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát, chưa có liên kết, Phước Hưng đã chuyển đổi hơn 105ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và rau màu, ứng dụng công nghệ cao; có 525ha tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSat; 13ha thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Giống Phú Hưng; ký kết với Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu tiêu thụ mỗi năm từ 50 - 100ha đậu bắp Nhật, lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Xã phát triển 7 nhà màng trồng dưa lưới, dưa lê ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7.500m2 và 29 hộ trồng rau màu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước với diện tích 13,3ha…

Toàn xã có 3 hợp tác xã nông nghiệp (doanh thu của 3 hợp tác xã trên 3,5 tỷ đồng/năm) và 2 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Các tổ chức kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tham gia chuỗi giá trị, liên kết hiệu quả với công ty, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm.

Những năm qua, xã tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Toàn xã có 48 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp doanh thu khoảng 709 triệu đồng/cơ sở/năm, giải quyết việc làm 336 lao động tại địa phương. Có 16 cơ sở thuộc ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, doanh thu 108 triệu đồng/cơ sở/năm.

Nâng chất đời sống

Sự đồng thuận của người dân được thể hiện qua các phong trào phát triển kinh tế xây dựng đời sống văn hóa, từ thiện - xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo an sinh xã hội. Từ khi xây dựng NTM, 152 căn nhà tạm bợ của hộ nghèo được cất mới, với tổng kinh phí gần 10,5 tỷ đồng, góp phần giảm nghèo đa chiều; năm 2022 còn 85 hộ, chiếm tỷ lệ 3,51% (năm 2011 là 6,66%).

Thành quả trong xây dựng NTM tạo nên diện mạo mới, đời sống nhân dân khởi sắc; nhân dân càng thêm tin tưởng chủ trương đúng đắn, hợp ý Đảng, lòng dân. Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND xã phối hợp các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhà đầu tư vốn, nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động... đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông. Xã có 12km đường giao thông, trong đó, Quốc lộ 91C dài 7,7km, đường huyện dài 4,3km...

Các phong trào đã được nhân dân đồng thuận hưởng ứng, nông dân tham gia hiến trên 10.000m2 đất làm đường ra cánh đồng, đóng góp hơn 20.000 ngày công lao động để sữa chữa lộ giao thông nông thôn và vệ sinh môi trường, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 59 triệu đồng/người/ năm, tăng 4,49 lần so năm 2011.

Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng chất. Toàn xã có 6 điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em và người cao tuổi; có 12 điểm sinh hoạt văn hóa; tất cả 4 ấp đều có địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Hệ thống lưới điện quốc gia được phủ khắp trong xã, với 2.438 hộ sử dụng điện an toàn, đạt tỷ lệ 100%; lộ giao thông nông thôn và tuyến Quốc lộ 91C được lắp đèn chiếu sáng với chiều dài hơn 12km, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được đẩy mạnh, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

“Cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp đã làm thay đổi diện mạo của Phước Hưng trong tiến trình xây dựng NTM. Tuyến đường hoa thẳng tắp với chiều dài hàng trăm mét được nhân dân hưởng ứng hình thành. Nhiều công trình thiết thực chăm lo cho dân được thực hiện… cho thấy ý Đảng, lòng dân được kết nối”- anh Thuận (một người dân địa phương) chia sẻ.

Sau 11 năm xây dựng NTM xã Phước Hưng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu, với tổng kinh phí thực hiện hơn 176,7 tỷ (ngân sách Trung ương trên 7,2 tỷ đồng, chiếm 4,10%, còn lại là ngân sách tỉnh, huyện và vận động xã hội hóa). Những kết quả này tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Hưng tiến tới xây dựng NTM nâng cao, phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân tốt hơn.

HỮU HUYNH