|
Lượt truy cập: 1.306

Thông tin khác

An Giang đẩy mạnh thương mại điện tử
- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành động lực cho thương mại điện tử phát triển, nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu, và là xu hướng tất yếu. Không thể đứng ngoài cuộc, An Giang đang đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; phấn đấu tăng bậc xếp hạng Chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh An Giang năm 2022 nằm trong tốp 30 của cả nước.

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ngày càng mở rộng, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp (DN), người dân biết đến. Sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường thương mại điện tử càng trở nên sôi động hơn. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án hữu hiệu cho DN Việt Nam vượt khó, tìm đến cơ hội mới từ nhu cầu phát sinh của thị trường.

Cùng với đó, thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam dần dịch chuyển từ truyền thống sang mua hàng trực tuyến (online) thông qua phương tiện điện tử. Người tiêu dùng không chỉ mua sắm ở thị trường trong nước, mà còn tại thị trường quốc tế, trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Mặt khác, thương mại điện tử giúp cho cá nhân, DN giới thiệu, giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng dễ dàng hơn. 

Mua hàng trực tuyến. Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử, trong năm 2022, An Giang phấn đấu tối thiểu 50% dân số sử dụng internet tham gia mua sắm trực tuyến; trên 50% đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường chấp nhận thêm phương thức thanh toán tiền điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 40%; 80% đơn vị cung cấp điện, nước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (kế hoạch đến năm 2025 là 100%) và tỷ lệ thanh toán khuyến khích đạt 40% (đến năm 2025 là 70%); 70% đơn vị viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (đến năm 2025 là 100%); 50% đơn vị y tế triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt (đến năm 2025 là 100%); 50% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (đến năm 2025 là 70%); siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng (đến năm 2025 là 100%). Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ hiện có chấp nhận thêm phương thức thanh toán tiền điện tử (đến năm 2025 là 100%).

Phấn đấu khoảng 80% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (có ngành nghề hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản…) có thương nhân kinh doanh trực tuyến. Các xã, phường còn lại phấn đấu đạt 40%; 50% DN cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả; sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh được trưng bày và bán trên sàn thương mại điện tử phổ biến (đến năm 2025 là 50% sản phẩm OCOP); website thương mại điện tử tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến (đến năm 2025 là 50%); hỗ trợ 50% DN (đến năm 2025 là 100%); có ngành nghề hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản bán hàng trực tuyến trong nước hoặc xuất khẩu hiệu quả.

Các sản phẩm của An Giang được giới thiệu trên sanphamangiang.com

Ngoài ra, 100% cơ sở giáo dục đại học và 40% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trực tuyến đến từng giáo viên; 100% người đứng đầu DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, thanh niên khởi nghiệp được đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; khoảng 1.000 lượt người (kế hoạch đến năm 2025 là 2.000 lượt) được tham gia khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh An Giang xác định một số nội dung trọng tâm, như: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong thương mại điện tử… Qua đó, triển khai đồng bộ giải pháp để thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.

THU THẢO