|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh

Công nhận 6 sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đạt từ 3 sao trở lên
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đợt 1 năm 2020, công nhận 6 sản phẩm của 6 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao.

Hai sản phẩm đạt 4 sao gồm: Đường thốt nốt sệt Palmania của Công ty cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và Tranh lá Thốt Nốt của Cơ sở tranh lá thốt nốt (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

4 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Khô cá tra phồng của Công ty TNHH Trương Hải (Thành phố Châu Đốc); Trà xạ đen của Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (thành phố Long Xuyên); Lạp xưởng bò (tung lò mò) của Cơ sở SX Kinh doanh ANAS (thị xã Tân Châu) và sản phẩm gạo thơm Ngọc Nhân của Gạo thơm Ngọc Nhân (huyện Châu Thành).

Các chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên nêu trên sẽ được UBND tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận; được sử dụng giấy chứng nhận, logo và thứ hạng sao sản phẩm OCOP để in hoặc dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành. Kết quả chứng nhận phân hạng sao sản phẩm có giá trị trong 36 tháng, kể từ ngày Quyết định được ký ban hành.

UBND tỉnh An Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt 3 sao trở lên được quy định, đảm bảo trang trọng và nghiêm túc; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất nêu trên sử dụng, in hoặc dán logo, thứ hạng sao OCOP lên sản phẩm theo đúng quy định.

OCOP gọi tắt của chương trình mỗi xã một sản phẩm. Mục tiêu chung của OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn tỉnh An Giang. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

OCOP tỉnh An Giang nhằm phát triển các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, do các thành phần kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện.

Theo đó, An Giang phấn đấu có 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên trong giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030./.

Tải về