|
Lượt truy cập: 1.306

Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh

An Giang: Xây dựng nông thôn mới đi vào đời sống của người dân nông thôn
Thực hiện các Bộ tiêu chí về nông thôn mới, hiện An Giang đã có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện gồm: Thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới tại An Giang đạt nhiều kết quả tích cực, dần đi vào đời sống của người dân nông thôn.

Tính đến cuối tháng 12/2020, toàn tỉnh An Giang có 60/116  xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,72%. Trong đó, có 49 xã đạt 19 tiêu chí; 4 xã đạt 18 tiêu chí, 6 xã đạt 17 tiêu chí và 1 xã đạt 16 tiêu chí. Cuối năm 2020, toàn tỉnh An Giang có 37 xã đạt 10-14 tiêu chí; 1 xã đạt 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã là 16 tiêu chí.

Năm 2021, An Giang phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 51 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92% và tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 93%. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên công tác kiểm tra, đánh giá cho các xã nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, nên đến 11 tháng đầu năm 2021, An Giang chưa có thêm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên các địa phương đang tổ chức triển khai rà soát, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình tự thủ tục đề nghị công nhận.  

Chú thích ảnh

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trao bằng công nhận xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Tính đến cuối tháng 11/2021, An Giang có 20 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, tăng 9 xã so cuối năm 2020. Cụ thể, năm 2019, An Giang có 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới và Phú Bình, huyện Phú Tân. Năm 2020, An Giang có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao gồm: xã Long An (thị xã Tân Châu); xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên); xã Vĩnh Trạch, Thoại Giang, Định Thành, Định Mỹ, Bình Thành (huyện Thoại Sơn); xã Bình Hòa (huyện Châu Thành); xã Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc). Trong 11 tháng đầu năm 2021, An Giang có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao gồm xã Long Điền A, Bình Phước Xuân và Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới); Vĩnh Phú, An Bình, Vọng Đông, Vọng Thê, Tây Phú và Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn).

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các Sở, ban ngành tỉnh. Qua thời gian tuyên truyền, vận động Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới dần đi vào đời sống của người dân nông thôn và được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp trong xã hội.

“Quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia”, ông Lâm cho biết.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm: Trong quá trình triển khai có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm và nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh góp phần tạo sự lan tỏa và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ để ra trong xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn thị xã Tân Châu có sự thây đổi mạnh mẽ sau khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh An Giang triển khai.

Xác định tuyên truyền, vận động Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm chính trị quan trọng, thời gian qua việc tăng cường tuyên truyền, vận động chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân góp phần thực hiện thành công phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 

Công tác tuyên truyền được tỉnh An Giang đa dạng hóa với nhiều nhiều nội dung và hình thức khác nhau như: tuyên truyền miệng, qua các buổi họp, hội nghị, hệ thống loa truyền thanh; các hoạt động văn hóa văn nghệ; tuyên truyền trực bằng hình ảnh và khẩu hiệu liên quan đến xây dựng nông thôn mới; thực hiện và nhân rộng các mô hình như “Dân vận khéo”, mô hình “tuyến đường xanh - sạch - đẹp - an toàn”, phong trào “5 không, 3 sạch” của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp,...cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.

Thời gian tới, An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu rộng và thiết thực bằng nhiều hình thức và nội dung. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp an toàn, nâng cao tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo an ninh trật tự khu vực nông thôn. Duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng miền nhằm duy trì và phát huy tốt các tiêu chí về văn hóa của địa phương.

Trong đó, tỉnh An Giang tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xây dựng xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; trong đó ưu tiên tập trung 10 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn năm 2021 và tập trung xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao. Song song đó, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, duy trì, thúc đẩy Chương trình luôn phát triển ổn định, bền vững.../.

Thanh Sang